Để đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4; Euro 5; Euro 6 thì một số hãng xe thiết kế hệ thống SCR gắn phía sau động cơ. Bản chất hệ thống này giống như một hệ thống lọc khí thải sử dụng dung dịch AdBlue để phun vào dòng khí thải, từ đó nhờ các phản ứng hóa học giữa thành phần có trong dung dịch AdBlue và khí NOx có trong luồng khí thải của động cơ tạo ra Ni tơ và hơi nước vô hại giúp khí thải đạt tiêu chuẩn Euro 4 hoặc Euro 5 hoặc Euro 6 tùy theo yêu cầu.
Để giải đáp câu hỏi có nên cắt bỏ hệ thống xử lý khí thải SCR, thì chúng ta hãy cùng tìm hiểu cách thức hoạt động của hệ thống này.
Các bộ phận:
- Bầu lọc khí thải Catalyst: Nơi diễn ra sự xúc tác để biến đổi thành phần của dung dịch AdBlue tạo ra một chất hóa học có thể phản ứng với NOx có trong khí thải thoát ra từ động cơ.
- Kim phun dung dịch AdBlue
- Bơm cấp dung dịch AdBlue
- Tank chứa dung dịch AdBlue
- Cảm biến nồng độ khí thải
Nguyên lý hoạt động:
Trường hợp 1: Cảm biến nồng độ khí thải đo tải lượng NOx có trong khí thải nếu tải lượng chưa vượt ngưỡng thì sẽ không gửi tín hiệu về bộ điều khiển trung tâm (ECU) ⇒ Không xảy ra quá trình phun dung dịch AdBlue do khí thải nằm trong ngưỡng cho phép.
Trường hợp 2: Cảm biến nồng độ khí thải đo tải lượng NOx có trong khí thải vượt ngưỡng thì lập tức gửi tín hiệu về ECU điều khiển phun dung dịch AdBlue để phản ứng biến đổi NOx thành Ni tơ và hơi nước thoát ra môi trường
Ngưỡng nồng độ khí thải được lập trình sẵn tại ECU với định mức tùy theo tiêu chuẩn là Euro 4 hay Euro 5 hay Euro 6 (tham khảo bảng dưới đây)
Táp lô báo lỗi hệ thống SCR
Trong trường hợp xuất hiện đèn cảnh báo lỗi SCR trên táp lô, suy nghĩ về các nguyên nhân như sau:
- Dung dịch AdBlue bị cạn
- Bơm bị cháy
- Đường ống dẫn bị tắc
- Kim phun bị chết hoặc bị tắc
- Dung dịch AdBlue không đạt tiêu chuẩn
Trong trường hợp báo lỗi SCR thì tùy theo lập trình của từng hãng xe sẽ có các ảnh hưởng đến xe như: Động cơ giảm 30% công suất hoặc thậm chí là không nổ máy được.
Vậy bản chất của việc cắt khí thải là gì ?
Có thể nói rằng hiện nay có nhiều chủ phương tiện chưa hiểu bản chất của việc cắt khí thải là gì, chủ yếu là nghe theo lời tư vấn của các thợ cắt là cứ cắt đi để đỡ tốn tiền mua dung dịch AdBlue, mà thợ cắt thì họ chỉ quan tâm đến việc thu tiền công cắt (3-5 triệu) chứ không tư vấn những tác hại của việc này.
Thứ nhất: Việc cắt khí thải là một hành động làm giảm tiêu chuẩn khí thải của xe và khiến cho xe không còn đạt tiêu chuẩn khí thải nữa gây ô nhiễm môi trường và không tuân thủ quy định về tiêu chuẩn khí thải theo nghị định 49/2011-NĐ/CP (Điều này hoàn toàn có thể bị xử phạt do làm trái quy định của pháp luật).
Thứ hai: Có nhiều phương pháp để cắt khí thải như chạy lại phần mềm, gắn thiết bị giả lập tín hiệu cảm biến đánh lừa hộp đen,… tuy nhiên phổ biến nhất là chạy lại phần mềm. Ở đây tôi sẽ nói về một số dòng xe đầu kéo như Howo, Chenglong, Hino,… vì chủ yếu những dòng này cắt khí thải nhiều do mức độ tiêu hao dung dịch AdBlue lớn chứ mấy dòng xe tải nhẹ như Thaco TF2800 hay dòng SUV như Ford Everest hay Hyundai Palisade thì mức tiêu hao chẳng đáng bao nhiêu để phải cắt bỏ cả. Đối với dòng đầu kéo, tải nặng Chenglong, Howo thì các thợ cắt sẽ cắm máy chẩn đoán kết nối với ECU và chạy lại phần mềm nhằm xóa chương trình xử lý khí thải đi, đồng thời nâng công suất máy lên để đảm bảo công suất máy khỏe lại như ban đầu hoặc thậm chí là khỏe hơn, nhiều người lầm tưởng rằng nâng công suất máy khỏe hơn để chạy khỏe nhưng đó là một sai lầm rất tai hại bởi vì sao ? Vì dung tích xy lanh, vật liệu làm lên động cơ đó thì hãng đã tính toán giới hạn chịu những tác động của hoạt động nạp, nén, nổ, xả trong mức công suất phù hợp rồi, nếu nâng lên thì đã là sai thiết kế, tính toán sức bền vật liệu ban đầu nên chắc chắn rằng độ bền của xe sẽ giảm hơn so với nguyên bản. Có thể trong thời gian đầu sẽ chưa cảm nhận được ảnh hưởng nhưng càng về sau sẽ càng cảm nhận rõ rệt sự xuống cấp của xe. Chưa kể đến nếu nâng công suất sẽ khiến cho xe luôn hoạt động ở vòng tua máy cao dẫn đến nóng máy, hao nhiên liệu nhiều hơn.
Thứ ba: Cắt khí thải chính là làm thay đổi kết cấu của xe ⇒ Điều này khi đến kỳ hạn đăng kiểm rất có thể sẽ bị phát hiện và đồng nghĩa với việc bị từ chối đăng kiểm chứ chưa cần nói đến việc đo khí thải thì chắc chắn là không đạt rồi. Ngoài ra khi đã cắt khí thải thì các bộ phận của hệ thống SCR như kim phun, bơm,… rất có khả năng sẽ bị chết do một thời gian dài không hoạt động, lúc này chi phí thay thế cũng sẽ rất lớn có thể tính bằng vài chục triệu đồng.
Tóm lại, việc cắt khí thải có thể thấy cái lợi trước mắt là không phải mua dung dịch AdBlue tuy nhiên đặt lên bàn cân thì thấy mặt hại nhiều hơn mặt lợi, nên các chủ phương tiện hãy hết sức thận trọng, cân nhắc khi quyết định cắt khí thải cho xe. Đôi khi nghĩ thoáng ra để nguyên bản xe vẫn là tốt nhất và quan trọng hơn là cùng chung tay vì một môi trường xanh – sạch – đẹp, vì chính chúng ta là người hưởng chứ không ai khác.